Lo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Lo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa lễ hội

17/02/2017 | 09:36:01
Sau dịp tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra suốt trong tháng Giêng. Ngành văn hóa đã thống kê, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, riêng Hà Nội có tới hơn 1.000 lễ hội trong tháng được coi là “ăn chơi” của cả một năm. Và mùa lễ hội năm nay nỗi lo an toàn thực phẩm lại trở nên thường trực chẳng khác gì dịp tết.

Bát đựng bún rất bẩn

Mới đầu năm ngành y tế Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) lên đường hoạt động tại các nơi có lễ hội trên địa bàn. Đoàn công tác thanh, kiểm tra đã đến lễ hội Đền Và, thị xã Sơn Tây. Tại thời điểm kiểm tra, có 23 quán hàng đang kinh doanh thực phẩm. Mặc dù đã ký cam kết bảo đảm ATTP nhưng hơn quá nửa số bát đựng bún, phở đều không bảo đảm vệ sinh, vẫn bẩn. Còn bánh phở, bánh tẻ những mặt hàng được bán nhiều tại lễ hội với 10 mẫu kiểm tra không có hàn the, 5 mẫu tương ớt bảo đảm ATTP. Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các hộ kinh doanh ăn uống thời vụ tại lễ hội đền Và phải bảo đảm tốt công tác ATTP từ lựa chọn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chế biến thức ăn tươi sống - chín phải riêng biệt, cần vệ sinh sạch sẽ khu vực chế biến và nhất định phải nấu chín, uống sôi đồ ăn thức uống.

Lễ hội chùa Hương năm nay, Ban Tổ chức cho biết đã thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP với 318 ki-ốt bán hàng. Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức phát biểu với báo giới, để phục vụ an toàn chu đáo cho lễ hội năm nay, ngay ngày mùng 2 tết Đinh Dậu, huyện đã ra quân kiểm tra công tác bảo đảm ATTP cùng với trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… tại khu vực diễn ra lễ hội chùa Hương. Đến nay, các hàng quán đã được sắp xếp thông thoáng, đúng sơ đồ, vị trí của Ban Tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chùa Hương thì khẳng định: “Ban Tổ chức tuyệt đối không bố trí điểm kinh doanh trong các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc khu vực không an toàn; yêu cầu 100% cửa hàng chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có tủ bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, không treo thịt tươi sống dọc đường, gây phản cảm. Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm huyện cũng bố trí lực lượng thu gom thực hiện công việc vớt rác trên dòng nước góp phần nâng cao nhận thức khách thập phương trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, ATTP trong dịp lễ hội chùa Hương năm 2017”.


Kiểm tra mẫu thực phẩm tại quán ăn ở lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội)

Canh cánh trước nỗi lo về ATTP, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã nhấn mạnh: “Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP các quận, huyện, thị xã, cũng như cơ quan chức năng ở địa phương phải vào cuộc tích cực, tăng cường thanh, kiểm tra ATTP, tập trung trọng điểm vào các lễ hội kéo dài, nơi tập trung đông người...” Toàn thành phố hiện có hơn 1.000 lễ hội, vì vậy các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP từ thành phố đến cơ sở đều phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cơ sở không tuân thủ các quy định về ATTP trước - trong - sau khi lễ hội kết thúc, nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Một điểm rất mới trong kế hoạch kiểm tra ATTP mùa lễ hội Đinh Dậu 2017 mà ông Hiền cho biết là Sở Y tế Hà Nội đã điều xe kiểm nghiệm lưu động ATTP đến nhiều lễ hội lớn và tổ chức lấy mẫu, làm các xét nghiệm nhanh cùng lúc nhiều loại thực phẩm khác nhau ngay tại chỗ với thời gian xét nghiệm trung bình cho mẫu thực phẩm từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, nhanh hơn rất nhiều việc lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm ở nơi khác.

Không thể kiểm soát hết

Cùng với Hà Nội, thì tại một số tỉnh, thành phố diễn ra nhiều lễ hội cũng đã được các cơ quan chuyên ngành tổ chức thanh, kiểm tra về công tác bảo đảm ATTP. Như tại Quảng Ninh, nơi có khoảng 80 lễ hội truyền thống, trong đó có các lễ hội lớn như: Tiên Công (Quảng Yên), Ngọa Vân (Đông Triều), Yên Tử (Uông Bí), đền Cửa Ông (Cẩm Phả)... với hàng triệu lượt du khách mỗi ngày, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức thanh, kiểm tra để xử lý những nhà hàng, quán ăn không bảo đảm ATTP, đồng thời đôn đốc việc giữ gìn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực chế biến. Tuy nhiên, trong lần kiểm tra đột xuất mới đây, Chi cục ATVSTP Quảng Ninh đã thừa nhận còn tồn tại nhiều hàng quán tự phát, kinh doanh các loại thực phẩm ăn nhanh như bánh mỳ, xúc xích, giò, nước mía, các loại hoa quả dầm, kem phục vụ nhu cầu của du khách mà chưa kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, các dụng cụ như tủ kính, găng tay dùng trong chế biến thực phẩm không được các nhà hàng, quán ăn sử dụng…

Trong báo cáo gửi cơ quan quản lý, ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ninh cũng cho hay, nhằm nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội xuân 2017, ngay sau tết Nguyên đán, chi cục đã tổ chức 2 đoàn phối hợp với các phòng, trung tâm y tế địa phương kiểm tra, kết hợp hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phục vụ lễ hội đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, các đoàn cũng tổ chức lấy mẫu để kiểm tra, phân tích các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Ông Chung khẳng định thêm để xử lý quyết liệt những trường hợp vi phạm ATTP, ngành y tế Quảng Ninh đã thành lập đường dây nóng để khi phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không đảm bảo ATTP, người dân có thể thông tin đến đường dây nóng đó để lập tức cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc bảo đảm tính răn đe để không tái phạm trong mùa lễ hội.

Cũng nằm trong công tác thanh, kiểm tra ATTP mùa lễ hội, theo lãnh đạo Cục ATTP, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra từ Trung ương đến địa phương từ nay đến hết ngày 25-3-2017. Đoàn có sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh; TP Hồ Chí Minh, Bình Phước; Khánh Hòa, Ninh Thuận; Phú Thọ, Tuyên Quang; An Giang, Đồng Tháp, Gia Lai và Kon Tum.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Trên cả nước, trong đợt cao điểm thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội năm 2017, 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương và hơn 5.100 đoàn thanh, kiểm tra của 42/63 địa phương qua kiểm tra đã phát hiện hơn 5.600 cơ sở vi phạm về ATTP, đã tiến hành xử lý 2.990 cơ sở, phạt tiền hơn 2.300 cơ sở với số tiền phạt gần 8,2 tỉ đồng. Ngoài ra, còn đình chỉ hoạt động đối với 22 cơ sở, đình chỉ lưu hành 41 loại thực phẩm, tiêu hủy 414 loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng. Những ngày tới, Cục ATTP sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm kiểm soát ATTP trong dịp lễ hội xuân 2017.

Các tin khác

TÀI KHOẢN

Đăng nhập

Đăng ký

Chính sách bảo mật

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

TẢI PHẦN MỀM

Hệ thống thông tin sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế số: 16036 theo quyết định số: 61711/QĐ-SHTT của Cục sở hữu trí tuệ, ngày 30.09.2016.

Thực hiện nhiệm vụ “Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam” thường niên trên quy mô toàn quốc. Theo kế hoạch số 99 / KH - MTTW - BCĐTWCVĐ của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bản quyền thuộc về Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Điện thoại: +84.2435406169 - Hotline: 0395719999 - 0963056116

Email: info@check.net.vn

Vận hành bởi Công ty cổ phần khoa học công nghệ Bảo Tín